Chuyện xứ điều – [Bài 5] – Những người làm điều nơi vùng biên

Những con người này đã có những năm tháng tiên phong gắn liền với vùng nguyên liệu Campuchia và thị trường rộng lớn Trung Quốc…

Duyên nợ hạt điều Campuchia

Khỏi phải nói thì những người làm điều ở Việt Nam cũng hiểu rằng tình hình sản xuất kinh doanh điều ở Campuchia ảnh hưởng trực tiếp đến ngành điều Việt Nam như thế nào.

Mấy năm gần đây sản xuất điều ở Campuchia có bước phát triển nhảy vọt, điều đó góp phần đáng kể trong việc tạo nguồn cung giúp các nhà máy chế biến điều Việt Nam có thêm kênh cung cấp, giảm áp lực việc nhập khẩu hạt điều thô từ Châu Phi. Hơn nữa việc mua điều thô từ Campuchia có lợi thế về cự ly vận chuyển, văn hóa mua bán, điều kiện kiểm tra chất lượng, thanh toán rõ ràng, ít rủi ro hơn là việc nhập khẩu hạt điều từ Châu Phi.

Theo tờ Phnompenh (Phnompenh post/Ann) thì năm 2019 Campuchia đã xuất khẩu 203,318 tấn hạt điều (số thực tế có thể lớn hơn nhiều) tăng gần 100% so với 2018 là 101,793 tấn. Còn theo báo cáo của ông Khansanban Cục trưởng Cục Nông Lâm Nghiệp, Bộ Nông Lâm Nghiệp và Thủy Sản Campuchia thì hạt điều Campuchia có hương vị và chất lượng tốt. Ông cũng cho biết thêm là hàng năm sản lượng điều Campuchia sẽ vẫn tăng do chính phủ Campuchia cải tiến thông thoáng trong việc làm thủ tục thông quan hàng hóa và chủ yếu là do diện tích trồng điều Campuchia tăng đáng kể trong các năm gần đây. Cũng theo ông Khansanban vườn điều Campuchia là vườn điều trẻ đang ở thời kỳ khai thác là 60%. Báo cáo cũng cho biết là năm 2018 Bộ có ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) nhằm đưa sản lượng Campuchia lên một triệu tấn vào năm 2028. Khi nghiên cứu chúng ta thấy đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là phương thức sản xuất của các trang trại trồng điều ở Campuchia là rất quy mô, hiện đại, mọi việc từ làm đất đến làm cỏ bón phân cho cây điều đều làm bằng máy, đất đai lại bằng phẳng, số giờ nắng trong năm cao,…  rất thuận tiện cho việc thâm canh cây điều.

Năm 2018 Heks/ Epver một tổ chức phi chính phủ được hỗ trợ từ chính phủ Thụy Sĩ cũng đã công bố khởi động một dự án phát triển điều ở vùng nông thôn hẻo lánh trong 5 năm tới với trị giá 7,8 triệu USD như cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo của các tỉnh gồm Pnsat, Kampong, Chnang, Prey Veng, Tbong Khmum, Karatie, Mondulkir và Stung Treng (Theo: The Star News – Malaysia).

Hiện nay khi đang viết những dòng này, tôi vừa nhận được thông tin từ người đại diện của VTV tại Campuchia là Chính phủ Hoàng gia Campuchia vừa có quyết định thành lập Viện nghiên cứu phát triển điều theo hướng bền vững (Việt Nam chỉ có Trung tâm nghiên cứu phát triển điều ở Bến Cát, Bình Dương). Viện này có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển giống, cơ chế chính sách… theo hướng sản xuất lớn. Theo đó đến năm 2030 toàn quốc sẽ có 500 ngàn ha điều cho thu hoạch, đạt sản lượng một triệu tấn/năm.

Như vậy trên thế giới chính thức có ba quốc gia xây dựng chiến lược phát triển điều đạt sản lượng một triệu tấn/năm là Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, và bây giờ là Campuchia. Tiến sĩ Hoàng Tuấn còn cho biết sản lượng điều thô (điều nguyên liệu) của Campuchia năm 2020 đạt trên 300.000 tấn, xuất khẩu qua Việt Nam 200.000 tấn, số còn lại xuất khẩu đi các nước khác và dùng chế biến ở trong nước.

Về phía Việt Nam, trong công văn gửi Bộ ngoại giao ngày 20 tháng 11 năm 2018 Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cũng đã đồng ý là sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành và địa phương liên quan, nghiên cứu đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp với Campuchia, phối hợp với Hiệp hội điều Việt Nam thúc đẩy, triển khai hợp tác sản xuất kinh doanh điều ở Campuchia.

Chị Tư Lan (Vũ Thị Lan) nguyên Giám đốc Công ty Lương Thực tỉnh Tây Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Vinacas chia sẻ: Việc khai thác nông sản trong đó có hạt điều ở các tỉnh vùng biên giữa Việt Nam và Campuchia là rất đặc biệt và đã có từ lâu. Chị nói, người đầu tiên tổ chức thu mua hạt điều ở Campuchia bán về Việt Nam khi đó là bà Năm Nữ, chị Nữ quê gốc An Giang lớn lên qua Campuchia lấy chồng và lập nghiệp. Ngày nay chị là Việt kiều làm ăn thành đạt nhất của Việt Nam ở Campuchia. Những năm 1980 chị Nữ đã xây dựng tổng kho nông sản rất lớn ở Netluong tỉnh Kompongcham để thu gom nông sản (hạt điều, đậu nành, mè…) xuất khẩu sang Việt Nam.

Chị Vũ Thị Lan.

Chị Vũ Thị Lan.

Hồi đó Công ty Lafooco và cả công ty Tanimex Long An chúng tôi cũng có làm ăn với anh Đông một thành viên trong nhóm của chị. Còn ở Tây Ninh cũng có một cặp đôi đánh điều từ Campuchia về Việt Nam rất nổi tiếng là vợ chồng Kiên-Nho. Hiện nay anh chị đã nghỉ. Lớp sau này cho tới bây giờ có rất nhiều người mua điều tiểu ngạch từ Campuchia về bán cho các nhà máy ở Việt Nam như chị Lâm, vợ chồng anh Hiệp-Kim Hai, vợ chồng anh Việt…

Trở lại câu chuyện người đầu tiên tổ chức chế biến điều ở Tây Ninh sinh năm 1949, chị Tư Lan là người gốc Bắc có bố là liệt sĩ, mẹ quê Nam Định là mẹ Việt Nam anh hùng. Chị là người tham gia cách mạng rất sớm, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Biên. Chị nói chị cũng học làm điều từ chỗ anh Nguyễn Văn Lãng. Khi chị đang làm giám đốc Công ty Lương Thực Tây Ninh chị đã đầu tư nhà máy điều và cử nhiều anh chị em sang chỗ anh Vương Hải để học cách chế biến điều xuất khẩu (Vương Hải nguyên Giám đốc Công ty Lương Thực tỉnh Sông Bé cũ, là Phó Chủ tịch Hiệp hội điều từ khóa 1).

Cùng làm điều với chị ở Công ty Lương Thực Tây Ninh có anh Nguyễn Minh Họa lúc bấy giờ làm trưởng phòng kinh doanh của công ty. Chị nói anh Họa cũng là người đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống polpot hồi chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong sản xuất kinh doanh anh là người có rất nhiều sáng kiến, nhiều ý tưởng hay (anh Họa cùng chị Tư Lan trong số những người đầu tiên làm điều ở tỉnh Tây Ninh). Sau này theo yêu cầu của tổ chức điều chị qua làm giám đốc Công ty Du Lịch tỉnh, anh Họa cũng nghỉ. Thời gian sau đó đi làm cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái – Tân Hưng cùng với anh Hồng, anh Hiếu. Anh cũng hùn vốn mở nhà máy chế biến điều ở Bình Dương trước khi trở lại Tây Ninh lập nên Công ty Bimico chuyên sản xuất kinh doanh điều như hiện nay. Chị Lan còn kể với tôi là chị cùng với anh Vương Hải kinh doanh gạo trong chiến dịch cứu đói cho Thành phố Hồ Chí Minh thời cô Ba Thi làm giám đốc Công ty Lương Thực Thành Phố.

Ông Nguyễn Minh Họa. Ảnh: NNVN.

Ông Nguyễn Minh Họa. Ảnh: NNVN.

Anh Vương Hải người gốc Hoa nên khi gặp được nhóm Công ty Hải Phú đã phát triển sản xuất rất nhanh, bao nhiêu hàng làm ra được Công ty Hải Phú bao tiêu hết. Sau này tỉnh giao nhà máy chế biến điều lại cho công ty Thành Lễ, chị Tám Loan (Phùng Ngọc Loan) điều hành. Đây là thời kỳ mà ngành điều Bình Dương (Sông Bé cũ) và Tây Ninh cũng như Long An phát triển rất mạnh. Anh Lê Công Thành một chuyên gia về chế biến điều của Việt Nam cũng gia nhập đội ngũ những người làm điều ở Bình Dương ở thời điểm này như Công ty Tấn Lợi rồi Tấn Tài của anh Tám Đức, Công ty Nam Sơn chỗ anh Đường, Công ty Ninh Sơn của chị Lạc, Công ty Nhật Huy của anh Công, Công ty Sobeco của anh Hải ở Bến Cát… Ở Tây Ninh cũng có hàng chục anh em mở công ty làm điều mà hiện nay rất nổi tiếng như Công ty Bimico của anh Hoạ, Tân Hoà của anh Quốc Như, Công ty Tấn Thành sau này bán cho tập đoàn Intersnack hình thành nên nhà máy tầm cỡ quốc tế. Mấy doanh nghiệp này có lịch sử kinh doanh gắn với vùng điều Campuchia hơn là Bình Phước bởi lẽ họ là những doanh nhân làm điều nơi vùng biên.

Những người góp phần lịch sử xuất khẩu điều sang Trung Quốc

Chiều Sài Thành cuối mùa mưa, bên cạnh bàn đá trong khuôn viên Resort Toki Saigon, bốn người đàn ông, hai già, hai trẻ đã có cuộc đàm đạo về xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc.

Chả là bữa trước tôi có hẹn anh Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas là bữa nay tôi sẽ lên anh để xin thông tin về xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc (thời kỳ 1990 – 2000)…

Những năm 1990 – 2000 là thời kỳ ngành công nghiệp chế biến điều bắt đầu phát triển mạnh ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Phú Yên,… nhưng đa phần các doanh nghiệp đều thiếu vốn và không có thị trường xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng cấp thấp. Đúng vào thời gian này thì có nhóm thương nhân Lạng Sơn, gồm có chị Trần Thị Lạc, chị Trần Bích Phương, anh Phạm Văn Công, anh Đường,… đã tổ chức thu mua nhân điều xuất khẩu đi Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Có năm nhóm này đã xuất khẩu đi Trung Quốc đến 50% sản lượng điều nhân của Việt Nam, trung bình 10 năm (1990 – 2000) thì chiếm trên 40% sản lượng điều nhân toàn quốc lúc bấy giờ,…

Ông Phạm Văn Công. Ảnh: NNVN.

Ông Phạm Văn Công. Ảnh: NNVN.

Hôm nay viết những dòng này, tôi chợt nhớ về những chuyến xe chở hạt điều mải miết đi lên phương Bắc không ngừng nghỉ. Tôi nhớ cả những con người một thời làm nên kỳ tích cho ngành điều Việt Nam. Bây giờ có người đã mất, đa phần tuổi đã lớn, họ đã bàn giao công việc lại cho lớp sau nhưng vẫn còn đó một tình yêu nghề nghiệp. Họ luôn sống có trước có sau, ân nặng nghĩa tình, có hiếu với bậc sinh thành, luôn chia sẻ thành quả lao động của mình giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội.

Có lần tôi hỏi anh Đường là tên Công ty Nam Sơn của anh có ý nghĩa gì không? Anh bảo: Sơn là quê hương Lạng Sơn, vùng sơn cước chúng tôi, những con người từ Lạng Sơn vào phương Nam lập nghiệp nên tôi đặt tên công ty là “Nam Sơn”. Tôi cũng được biết nhiều anh chị em trong ngành điều chúng ta quê Lạng Sơn, hàng năm trích nhiều tỷ đồng xây dựng hàng trăm mái ấm tình thương ở vùng cao Tây Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc. Cách đây không lâu tôi có dịp dự lễ mừng thọ của cụ bà 90 tuổi. Bà cụ người Lạng Sơn được nghe lời phát biểu của người con trai út của cụ trong buổi lễ. Thú thật là tôi và mọi người rất xúc động vì lời lẽ mộc mạc chân tình của người con nơi dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược sang Trung Quốc, quê hương mà cảnh đẹp đã đi vào thơ ca:

“Đường lên xứ Lạng quanh quanh

Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ…

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”

Tôi nhớ người con trai đã quỳ trước mặt mẹ rất lâu và nói “con cảm ơn mẹ” nhiều lần! Vâng chúng con cảm ơn mẹ, những người cha người mẹ của những đứa con đi làm ăn xa quê, những người mẹ luôn nâng bước chúng con trên mọi nẻo đường để chúng con có chút thành công hôm nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *